Thực hiện quốc tế hóa giáo dục đại học ở Đức và Việt Nam
Văn phòng đại diện DAAD Hà Nội phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội cùng tổ chức hội thảo diễn ra trong hai ngày tại Đà Nẵng về chủ đề “The Implementation of Internationalisation of H.E. in Germany and Vietnam”. 90 khách mời đại diên cho 50 trường đại học Đức, Lào và Việt Nam đã thảo luận các đề tài với nhiều quan điểm khác nhau thông qua tám bài trình bày và phần làm việc theo nhóm, qua đó rút ra một số kết quả quan trọng được tổng hợp dưới đây:
- Nguồn tài chính và nhân lực đầy đủ, đặc biệt ở Phòng Hợp tác quốc tế, là rất quan trọng để quốc tế hóa sâu rộng trong nhiều khía cạnh, bắt đầu bằng việc trao đổi sinh viên và giảng viên (trong và ngoài nước) thông qua việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và liên kết nghiên cứu quốc tế, thông qua những chủ đề như “Internationalisation@home”, chiến lược marketing giáo dục đại học quốc tế hay chương trình đào tạo xuyên quốc gia. Quốc tế hóa trong trường đại học càng nhiều thì càng cần nhiều nguồn lực để thực hiện. Nếu không sẽ không thể đạt được các mục tiêu đề ra.
- Thông tin: giao tiếp tốt, nhanh, đầy đủ là nhân tố quyết định để thực hiện “quốc tế hóa” có định hướng mục tiêu không chỉ trong nội bộ trường đại học mà còn trong sự hợp tác với các đối tác khác. Ví dụ đối tác thường mong nhận được phản hồi nhanh cho những thắc mắc ngay cả khi đó chưa phải là câu trả lời cụ thể. Nhưng việc liên lạc thường xuyên sẽ giúp tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
- Sự tin tưởng lẫn nhau là rất quan trong, đặc biệt là khi hợp tác với các đối tác từ nước ngoài và vùng văn hóa khác. Khi có lòng tin với nhau, người ta có thể dễ dàng vượt qua sự khác biệt văn hóa cũng như trong phong cách làm việc, quản lý hay giao tiếp. Sự tin tưởng được tạo ra nhờ giao tiếp thường xuyên và chất lượng, nhờ độ tin cậy, nhờ các mối quen biết cá nhân và thông qua sự thấu hiểu nhau.
- Động lực, đặc biệt là tại các khoa: Hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu diễn ra trực tiếp tại các khoa, Phòng hợp tác quốc tế “chỉ” là đầu mối liên hệ hỗ trợ. Động lực của giảng viên và các nhà khoa học tại các khoa đối với việc quốc tế hóa và các đóng góp của họ là cực kỳ cần thiết để tạo ra môi trường giảng dạy và nghiên cứu quốc tế tại trường đại học. Động lực này đạt được chủ yếu nhờ giá trị gia tăng cá nhân và tổ chức của sự hợp tác quốc tế. Phòng hợp tác quốc tế có thể hỗ trợ các ý tưởng hoặc các đề xuất phù hợp hoặc cũng có thể đưa ra các đề xuất và các ý tưởng thông qua sự trao đổi nội bộ tích cực.
- Quy tắc 80/20: Một số giảng viên và nhà nghiên cứu có rất ít hứng thú với quốc tế hóa. Nỗ lực thuyết phục nhóm đối tượng này (chiếm khoảng 20%) thường sẽ khá vất vả mà không hứa hẹn mang lại nhiều thành công. Do đó, người ta nên tập trung vào những người cởi mở cho sự hợp tác quốc tế.
- Lãnh đạo các trường đại học và các khoa luôn cần tham gia cùng vào quá trình này vì sự ủng hộ của họ là rất cần thiết đối với những biện pháp quốc tế hóa. Nếu bạn có sự ủng hộ của ban lãnh đạo, các dự án của bạn có thể được thực hiện một cách dễ dàng hơn.
- Chất lượng giảng dạy và nghiên cứu là cần thiết cho sự hợp tác bền vững với các đối tác quốc tế. Đảm bảo chất lượng và kiểm định là những tiền đề quan trọng trong việc có được đối tác và hợp tác với họ lâu dài.
- Tiếng Anh là một điều kiện cơ bản khác để sự hợp tác giữa các trường đại học đạt được thành công. Điều kiện này đặc biệt được áp dụng với giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên khi họ muốn học tại các trường quốc tế hoặc muốn hợp tác với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, đối với các trường đại học không nằm ở những trung tâm lớn của Việt Nam, điều kiện này mang lại những thách thức rất lớn vì ở đó, điều kiện học tiếng Anh còn khá hạn chế.
- Chỉ số KPI – Chỉ số hiệu suất chính có thể được dùng làm tiêu chí quan trọng đánh giá cho sự thành công của những biện pháp quốc tế hóa vì quốc tế hóa không phải là một mục tiêu tự thân mà chủ yếu nhằm cải thiện chất lượng trong giảng dạy và nghiên cứu.
- Quản lý kỳ vọng của sinh viên và nhà nghiên cứu quốc tế khi đến Việt Nam: Các sinh viên quốc tế muốn học tập tại một trường đại học tại Việt Nam cần phải chuẩn bị kỹ cho hành trình của mình. Những kỳ vọng cần tương ứng với thực tế để không bị thất vọng và từ đó dẫn tới những đánh giá tiêu cực cho cả quá trình. Do vậy những mong muốn khác nhau về học tập tại Việt Nam cần phải được xem xét: Trong khi sinh viên từ các nước láng giềng như Campuchia và Lào mong đợi những điều kiện học ở Việt Nam sẽ tốt hơn ở quê nhà thì các sinh viên tới từ những nước phát triển lại mong muốn một trải nghiệm liên văn hóa khi sang Việt Nam học tập. Đồng thời họ cũng mong muốn các tín chỉ sẽ được công nhận tại trường của mình để không bị lãng phí thời gian.
- Cuối cùng: Quốc tế hóa là một “ĐIỀU TẤT YẾU” đối với toàn bộ hệ thống giáo dục đại học và là nhiệm vụ xuyên suốt trên tất cả các mặt của một trường đại học.